Chính phủ Pháp dành ngân sách rất lớn cho y tế. Mọi công dân của Pháp đều được hưởng lợi từ chính sách này. Không chỉ có vậy, sinh viên nước ngoài theo học một khóa đào tạo dài hơn 3 tháng trong một cơ sở giảng dạy được cấp phép cũng được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế tương tự như sinh viên Pháp. Đăng kí bảo hiểm y tế là một trong những việc ưu tiên hàng đầu mà bạn phải làm ngay khi đặt chân đến nước Pháp. Nếu không có nó, bạn phải chi trả số tiền rất lớn nếu chẳng may bị bệnh.
Nội dung
1. Đăng kí bảo hiểm y tế (l’assurance maladie)
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, sinh viên dưới 28 tuổi ngoài khu vực kinh tế châu Âu (étudiant non-européen) khi đăng kí vào một cơ sở giáo dục bậc đại học của Pháp không phải đóng phí bảo hiểm y tế nữa mà phí này đã được bao hàm vào chương trình an sinh xã hội của Pháp (la sécurité sociale). Trước đó, sinh viên dưới 28 tuổi phải đóng phí này là khoảng 217 € / năm còn sinh viên > 28 tuổi thì miễn phí.
Bạn cần đăng kí bảo hiểm y tế bằng cách :
- đến trực tiếp Quỹ bảo hiểm y tế cấp một CPAM (la caisse primaire d’assurance maladie) gần nhất với nơi cư trú hoặc
- đăng kí trên trang web etudiant-etranger.ameli.fr.
Những giấy tờ bạn mà bạn cần nộp bao gồm :
- passport,
- visa
- thẻ sinh viên
- giấy khai sinh bản dịch tiếng Pháp (vital record) (có nơi họ chấp nhận bản dịch tiếng Pháp tại Việt Nam nhưng có nơi thì không, do đó nếu nơi nào không chấp nhận thì bạn có thể đăng tin trên hội sinh viên Việt Nam tại Pháp để kiếm người dịch được công nhận – traducteur assermenté)
- số tài khoản ngân hàng RIB (xem cách mở tài khoản ngân hàng tại đây).
Bạn sẽ được cấp một số bảo hiểm tạm thời (numéro provisoire) để dùng cho việc yêu cầu CPAM bồi hoàn các chi phí khám chữa bệnh bao gồm cả tai nạn lao động (accident du travail) và bệnh nghề nghiệp (maladie professionnelle).
Sau khi đã có được số an sinh xã hội chính thức (Un numéro de sécurité sociale) thì bạn phải tạo một tài khoản trên ameli.fr : đây là không gian cá nhân cho phép bạn truy cập tất cả các dịch vụ từ máy tính, điện thoại di động hay máy tính bảng, để bạn theo dõi tiền bồi thường, tải xuống các hồ sơ của bạn, liên hệ với tư vấn qua email ….
Số bảo hiểm chính thức (numero de securite sociale) có 15 số và bắt đầu bằng số 1 hoặc 2. Nếu số bạn nhận được không bắt đầu bằng sô 1 hoặc 2 thì nó là số bảo hiểm tạm thời (numéro provisoire)
Trên tài khoản này bạn cũng có thể hoàn tất biểu mẫu trực tuyến để yêu cầu thẻ bảo hiểm y tế (la Carte Vitale) hay còn gọi là la carte à puce
2. Ý nghĩa của số an sinh xã hội
Số an sinh xã hội (numéro de sécurité sociale) hay còn gọi là số đăng kí thư mục NIR (numéro d’Inscription au Répertoire) tương ứng với số đăng ký trong thư mục quốc gia về nhận dạng thân thể RNIPP (répertoire national d’identification des personnes physiques). Mọi trẻ em sinh ra tại Pháp đều được cấp số này và không bao giờ bị trùng lặp số 😆 .
Số an sinh xã hội (le numéro de sécurité sociale) bao gồm 15 số :
- Số đăng ký thư mục NIR (numéro d’inscription au repertoire) gồm 13 số
- Số kiểm soát (une clé de contrôle) gồm 2 số
Ý nghĩa của số đăng kí thư mục NIR
- Giới tính : số đầu tiên ( số 1 là cho nam và số 2 là cho nữ)
- Năm sinh: 2 số tiếp theo
- Tháng sinh : 2 số tiếp theo
- Nơi sinh: 5 số tiếp theo ( 2 số là mã của tỉnh – code du département de naissance, 3 số tiếp theo là mã chính thức của vùng – code commune officiel de l’Insee)
- Số thứ tự để phân biệt những người sinh ra ở cùng một nơi cùng một lúc : 3 số tiếp theo
Đối với những người sinh ra ở nước ngoài, 2 số mã của tỉnh (code du département) được thay thế bằng 99 và mã chính thức của vùng (code commune officiel de l’Insee) được thay thế bằng mã quốc gia nơi bạn sinh ra.
Ví dụ nếu trên thẻ bảo hiểm y tế (la carte vitale) hiển thị số 177023523822522 thì có nghĩa là :
1: giới tính là nam
77: sinh năm 1977
02: sinh vào tháng 2
35238: nơi sinh (35 là vùng Ille-et-Vilaine)
005: là số thứ tự để xác định người sinh cùng 1 nơi cùng 1 lúc
22 : là số kiểm soát
Số đăng kí NIR này do Insee (Institut national de la statistique et des études économiques) quản lý và nó cho phép bạn không chỉ nhận được bồi hoàn từ chi phí y tế (frais médicaux) mà còn nhận các khoản trợ cấp khác (allocations diverses) và lương hưu (pensions)
3. Bảo hiểm y tế bổ sung (une mutuelle)
Quỹ bảo hiểm y tế cấp 1 (CPAM) chỉ chi trả trung bình 60 – 70% chi phí khám chữa bệnh (ví dụ như bạn đi khám mất 25€ thì quỹ bảo hiểm sẽ hoàn trả cho bạn 16,5€ còn bạn phải trả 8,5€). Do đó bạn có thể mua bảo hiểm y tế bổ sung để chi trả cho phần còn lại. Việc mua bảo hiểm này hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc nhưng được khuyến khích 😉
Nếu bạn muốn mua bảo hiểm y tế bổ sung thì bạn có thể vào trang Assurland và Mutuelle land để có thêm nhiều lựa chọn cho bảo hiểm y tế bổ sung (Mutuelle santé). Đây là công cụ so sánh miễn phí bảo hiểm y tế của hầu hết các hãng bảo hiểm lớn trên thị trường sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất 😉 . Mỗi trang sẽ gửi cho bạn ít nhất 3 báo giá ( devis) của những hãng bảo hiểm khác nhau. Bạn nhớ lưu ý đọc kĩ các điều khoản đi kèm trước khi quyết định nhé.
Sau khi khai báo thông tin thì họ sẽ gửi báo giá để bạn tham khảo. Các trang web này cũng có báo giá cho bảo hiểm dành cho chó mèo đấy (Mutuelle chiens & chats). Nếu thú cưng của bạn thường xuyên ốm vặt thì cũng nên mua cho nó một bảo hiểm để đỡ chi phí khám bệnh 😆
4. Đăng kí bác sĩ điều trị ( médecin traitant)
Bạn cần đăng kí trước một bác sĩ điều trị ( là bác sĩ đa khoa) để khi có bệnh, bạn sẽ liên hệ để đặt lịch hẹn khám bệnh cũng như bạn phải khai báo trên tài khoản ameli. Bạn có thể lên hai trang web sau để tìm bác sĩ : doctolib hoặc annuairesante.ameli. Sau khi tìm được bác sĩ điều trị rồi, nếu bác sĩ đồng ý, bạn và bác sĩ sẽ cùng kí một mẫu đơn và nộp cho bảo hiểm.
Nếu bạn bị bệnh, bạn phải đến khám bác sĩ điều trị trước (médecin traitant), sau đó nếu cần thiết, họ sẽ giới thiệu cho bạn một bác sĩ chuyên khoa. Bạn không được đến khám bác sĩ chuyên khoa khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ đa khoa (là bác sĩ điều trị mà bạn đã đăng kí).
Trong một số trường hợp, bạn có thể trực tiếp đến khám bác sĩ chuyên khoa mà không cần có sự giới thiệu của bác sĩ điều trị, bao gồm :
- bác sĩ phụ khoa
- bác sĩ nhãn khoa
- bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý chuyên về hệ thần kinh ( tâm thần)
- nha sĩ
- bác sĩ mà bạn đã có lịch hẹn để theo dõi và kiểm tra
- bác sĩ cần gặp trong trường hợp khẩn cấp
Bạn cũng nên biết rằng tại cơ sở đào tạo nơi bạn theo học đều có Dịch vụ Y tế Dự phòng và Y tế Dự phòng Đại học (Le Service universitaire de médecine préventive et de promotion de la santé – SUMPPS). Dịch vụ này cung cấp nhiều tư vấn miễn phí, chẳng hạn như ngừa thai (la contraception), sàng lọc (les dépistages), tiêm chủng (la vaccination), dinh dưỡng (la nutrition ) hoặc theo dõi tâm lý (psychologique) nên bạn nên đến nếu gặp các vấn đề trên 😉
5. Hoàn trả chi phí y tế
Nếu bạn chưa có thẻ bảo hiểm (carte vitale), bạn phải thanh toán trước mọi chi phí đồng thời yêu cầu bác sĩ điền 1 phiếu gọi là hóa đơn y tế ( feuille de soins). Sau đó bạn gửi phiếu này và đơn thuốc (nếu có) đến CPAM và đến công ty bảo hiểm tế bổ sung (nếu bạn mua bảo hiểm này). Yêu cầu phải được thực hiện ít nhất 15 ngày và không muộn hơn 3 tháng sau ngày của hóa đơn y tế ( feuille de soins).
Khi đã có thẻ bảo hiểm (la carte vitale) thì bạn cần xuất trình để khỏi phải trả trước chi phí khám y tế. Mọi thông tin liên quan đến việc hoàn trả các chi phí y tế đều thể hiện trên tài khoản www.ameli.fr
6. Mua thuốc
Các nhà thuốc tại Pháp đều mở cửa từ 9h sáng đến 7h tối, trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ. Tuy nhiên, có những nhà thuốc mở cửa suốt đêm, cả chủ nhật và ngày lễ để phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp , đó là các pharmacie de garde ( tìm thông tin ở đây) .
Các hiệu thuốc chỉ bán thuốc cho bạn khi bạn xuất trình được toa thuốc. Một số loại thuốc bạn được phép mua mà không cần bác sĩ kê đơn như đau đầu, ho, sốt, cảm cúm …. hoặc thực phẩm chức năng.
Nếu thích mua thuốc online ( giá thường rẻ hơn offline nhé 😉 ) thì bạn có thể tham khảo trang Viata, họ bán đủ loại thuốc thông thường không cần kê đơn như các loại thuốc cho rối loạn tiêu hóa, ho, bị côn trùng cắn … đến dược mĩ phẩm và thực phẩm chức năng. Đây là trang web có mạng lưới nhà thuốc ở 20 thành phố trên khắp nước Pháp. Thời gian giao hàng trong khoảng 24h-48h
7. Các số điện thoại cần thiết khi cấp cứu
Khi bạn hoặc bạn bè, hàng xóm có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần gọi cấp cứu thì những số điện thoại bên dưới sẽ giúp ích cho bạn:
- 112 (les Urgences – Cấp cứu)
- 15 (le SAMU, Service d’Aide Médicale Urgente – Dịch Vụ Hỗ Trợ Y Tế Khẩn Cấp)
- 18 (les Pompiers – Lính cứu hỏa)
- 36 24 (số điện thoại khẩn cấp để bác sĩ đến nhà nếu bạn không thể di chuyển, luôn sẵn sàng 24h/7)
Hãy nhớ rằng tính mạng và sức khỏe là thứ quan trọng nhất, đừng vì chưa có hoặc chưa đăng kí được bảo hiểm y tế mà bạn chần chừ hoặc không gọi cấp cứu 😉 . Để chuyển được cái body không còn động đậy của bạn về Việt Nam (ngôn ngữ chính thức trong các văn bản pháp luật người ta gọi là hồi hương thi hài đó 👿 ) thì gia đình bạn phải tiêu tốn không dưới 1 tỷ VND đâu nhé 😎